SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG: CHỌN CÔNG TY VIỆT NAM HAY NƯỚC NGOÀI?

SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG: CHỌN CÔNG TY VIỆT NAM HAY NƯỚC NGOÀI?

Đứng ở vị trí đang vận hành một doanh nghiệp tư vấn thiết kế Việt Nam và để có một tiếng nói công tâm về đề tài này thật khó, tuy nhiên mình sẽ cố gắng đưa ra góc nhìn riêng để các bạn tham khảo.

  • Đối tượng sử dụng: sinh viên mới ra trường
  • Chống chỉ định: kiến trúc sư già, thành phần kiếm “lậu” nhiều hơn “lương”

Thời mới ra trường mình cũng có câu hỏi tương tự: làm ở công ty trong nước cho khỏe, việc nặng lương vừa hay nước ngoài (thậm chí phân vân cả giữa công ty Châu Á hay Châu Âu) việc cũng nặng và lương cao hơn chút. Nhưng bị cái lúc đó vốn tiếng Anh bập bẹ.

Thế là mình đã chọn đủ bộ, đi phỏng vấn 5 công ty tư vấn thiết kế bao gồm 2 công ty địa phương (trong đó có 1 công ty khủng), 1 công ty Nhật, 2 công ty Châu Âu. Kết quả là mình chọn công ty Châu Âu và làm liên tục 8 năm đến khi chuyển qua phía Chủ đầu tư và thành lập 717 Architects.

Lý do: một công ty “cá tính - ảo tưởng sức mạnh” quá mức cần thiết và lương quá thấp, một công ty hỏi mình “ em nghĩ sao mà tự định giá cao vậy” tại vòng 2 nên chạm tự ái, một công ty qua hết 3 vòng nhưng mình từ chối nhận việc vì mình không hợp với văn hóa “trên – dưới” mặc dù có thể làm tại Tokyo thời gian đầu, một công ty thì thấy không hợp với định hướng cá nhân.

Hiện tại mình chưa bao giờ hối tiếc về quyết định này thậm chí là tự hào vì tích lũy được tư duy tốt, đồng nghiệp tốt, môi trường “sạch”.

Đó là về phía mình.

Tuy nhiên khi trải nghiệm và quan sát nhiều hơn thì mình tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi phía trên theo một cách rất ba phải: chọn công ty nào cũng được!

Vì vấn đề là nếu bạn không tìm ra được chính mình thì cho dù nghe theo bất kì lời khuyên lề trái – lề phải nào cũng là vô vọng và tốn thời gian. Theo đó mình có vài tiêu chí sau để các bạn ra quyết định:

 

Dành thời gian suy nghĩ xem mình muốn gì.

Bạn muốn làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, tiếp cận tư duy tiên tiến hay muốn học hỏi nghề nhanh để tự mở công ty, sản xuất nội thất, kiếm tiền nhanh hay muốn thử thách, hoặc kết hợp 2-3 cái muốn với nhau. Làm công ty nước ngoài đúng là học được tư duy tốt nhưng bù lại có khả năng bạn sẽ làm 1 công đoạn trong 1 dây chuyền sản xuất khá lâu nên phải kiên nhẫn, làm công ty Việt Nam có thể dính mấy việc trên trời rơi xuống, dễ vướng vào việc ăn “lậu” do nó hấp dẫn và không thoát ra được. Cái này cũng cần căn cứ thêm ở điểm mạnh và điểm yếu của cá nhân nữa.

Dành thời gian suy nghĩ xem mình thích gì.

Thích sau này quản lý một dự án ra ngô ra khoai, không có ông Tây nào dám coi thường nói mình làm việc kiểu Việt-nam-mi, hay thích mơ mộng về ý tưởng để tạo ra các tác phẩm để đời, hay lại mê các bản vẽ 2D và thông tin các chi tiết được liên kết thế nào. Hoặc có thể chỉ đơn giản là bạn thích Kiến trúc sư đó vì họ nổi tiếng và phong cách hợp mình. Thích cái nào nào cũng được, mục đích của việc này là để bạn có câu hỏi trong đầu để tìm hiểu về vị trí và công việc mình muốn trong quá trình phỏng vấn, lỡ xui đi làm giữa chừng thấy mình thích “hơi bị ngu” thì ta ngồi suy nghĩ lại. Cá nhân mình thấy, tìm ra một mục tiêu để đi từ ban đầu rồi trong quá trình đang đi thì sửa thêm vẫn hay hơn là mù tịt từ đầu, để đời đưa ta đâu ta đi đó, “go with the flow”.

Dành thời gian suy nghĩ xem mình chịu được gì.

“Chịu” ở đây có nghĩ là khả năng chịu đựng mang tính môi trường. Ở các công ty lớn thì mang theo nó là tính “chính trị” sẽ tồn tại, tùy mức độ ít nhiều, nên các bạn cần xem mình thuộc túp người nào: ôn hòa hay cạnh tranh hay giỏi đối ngoại, vì nếu không các bạn sẽ tự biến mình thành “con cừu” hoặc “con hổ” một cách không cố ý.

“Check hàng” sếp.

Đừng nghĩ bậy, ý là xem ông sếp/ bà sếp có phù hợp với mình không, ahihi!  Cá nhân mình thích quan điểm về tuyển dụng sau: quan trọng không phải mình chọn công ty gì mà là chọn sếp, mà sếp ở đây tức là người quản lý trực tiếp với mình, sau đó mới đến ông ở “đỉnh”. Ví dụ bà sếp “đỉnh” thì tốt và quan tâm nhưng ông sếp “gần” lại ích kỉ thì đời bạn sẽ cực lắm. Riêng vấn đề này mình giới thiệu các bạn cuốn sách khá hay mà mình sẽ giới thiệu về nó trong một bài viết khác về chủ đề Môi trường làm việc, cuốn sách có tên khá kêu là “Barking up the wrong tree – Chó sủa nhầm cây” (tác giả tạm dịch). Thêm nữa, mình thấy có cái lạ là khi đi phỏng vấn các bạn lại không yêu cầu được đi tham qua công ty 1 vòng, phải đi chớ, đi mới biết.

 

Vậy đó , tóm lại là bạn phải xác định được chính mình để đưa ra các tiêu chí và tìm hướng đi cho nghề nghiệp phù hợp, sau đó mới nói đến chuyện chọn công ty Việt Nam hay nước ngoài. Mỗi người đều có 1 lựa chọn đầu đời nên thà bạn dành thời gian suy nghĩ kĩ về nó để sau này không phải hối hận. Ba năm đầu tiên khi bạn mới ra trường rất quan trọng, nó định hình cho suy nghĩ của bạn về sau.

Việc tìm kiếm này bạn phải thực hiện từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường chứ đừng để chuẩn bị đi nộp đơn mới nghĩ đến, vì lý do đơn giản: nghĩ càng lâu nó càng thấm. Đồng thời nó cũng có ích khi bạn tìm kiếm công ty để thực tập và hãy xem đây là 1 bước thử nghiệm nhỏ vè định hướng, về môi trường, về sếp chứ đừng đi kiếm đại.

Cá nhân mình thấy các công ty Việt Nam sau này cũng đã có ảnh hưởng văn hóa từ các công ty nước ngoài, trình độ thu hẹp tương đối tùy loại công trình. Nếu đạo đức nghề nghiệp của mình có, mình quan tâm đến giá trị mang lại cho khách hàng thì cho dù chỉ vẽ Nhà vệ sinh nhưng mình tin các bạn sẽ thành công trong tương lại. Nhà vệ sinh hiện tại của bạn sẽ tiện lợi, tiết kiệm, hợp lý, kích thước chuẩn và đẹp cho người sử dụng hơn của người khác thiết kế.

Có một điều mình muốn chia sẻ thêm ở đây là nếu các bạn thật sự tập trung, cống hiến cho công việc ở công ty thì về nhà bạn đã mệt lả người, không có tâm trí để kiếm thêm thu nhập từ các dự án cá nhân đâu. Bạn có thể tưởng tượng 8 giờ bạn ngồi màn hình, binh, vẽ theo tiến độ, nhưng vẫn phải đẹp, hợp lý, tra tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đi vệ sinh, đi uống nước, đi qua lại trao đổi với đồng nghiệp, lâu lâu bị sếp ghé thăm bất chợt,… nhiều lắm, căng lắm nên đừng mơ mộng. Đương nhiên sẽ có một vài bạn “sức trâu” hoặc kinh tế khó khăn nên buộc phải cố gắng, nếu vậy mình càng tán dương quyết tâm của các bạn ấy.

Hy vọng bài viết có ích cho các bạn kiến trúc sư mới ra trường, đang đi tìm kiếm công việc hoặc vừa mới làm một thời gian. Các bạn đều có lựa chọn, lựa chọn sớm thì đỡ mất thời gian của mình và của công ty. Quan trọng nhất là giữ đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu.

 

Cám ơn đã đọc bài và chúc các bạn một ngày tốt lành.

Giang.

Bài viết khác

Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn tại Futurarc Prize 2017

Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn tại Futurarc Prize 2017

Ngày 09/05 vừa qua, cuộc thi FuturArc Prize 2017 đã công bố những bài dự thi xuất sắc đạt giải thưởng tại hai hạng mục: Kiến trúc sư và Sinh viên kiến trúc. Năm nay, Việt Nam có 02 đại diện đạt giải cao: Giải nhất hạng mục KTS, Giải nhì hạng mục Sinh viên Kiến trúc. Bên cạnh đó, 02 giải khuyến khích cũng được trao cho 02 nhóm Sinh viên đến từ Việt Nam .

xem thêm

Khám phá không gian - thời gian với kiến trúc tạm thời

Khám phá không gian - thời gian với kiến trúc tạm thời

Các kiến trúc sư Francisco Magnone và Luciano Lopez trình bày "M4", một cài đặt tạm thời khám phá lịch sử không gian-thời gian liên tục với sự phát triển của lĩnh vực kiến trúc tạm thời.

xem thêm

Hội thảo Kiến trúc Nhà nổi – Floating Architecture

Hội thảo Kiến trúc Nhà nổi – Floating Architecture

Sáng ngày 16/5/2017, tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Kiến trúc Nhà nổi (Floatting Architecture) do Trường ĐH Kỹ thuật Cottbus (BTU – Đức), Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp tổ chức với sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

xem thêm