VÌ SAO THIẾT KẾ TA THUA THIẾT KẾ TÂY?

VÌ SAO THIẾT KẾ TA THUA THIẾT KẾ TÂY?

Đây là một câu hỏi khá “chua” mà để tìm ra lời giải đáp thì không khó nhưng để giải quyết thì không phải trong một sớm một chiều. Tiếp theo bài viết lần trước về “Sinh viên ra trường cần trang bị những gì” thì đây là phần tiếp theo để mình nói rõ hơn về căn cứ cho những lập luận như vậy và hy vọng chúng ta có cái nhìn sâu hơn về thực trạng “hông zui” này. Trong bài viết trước có người bạn bổ sung thêm ý khá hay như sau: “Phải linh động (flexible) và phải luôn tâm niệm việc thay đổi phương án là bình thường để tìm ra phương án tối ưu nhất”.

Đầu tiên, mình muốn định nghĩa thế nào là “Ta” - “Tây”:

  • Ta: có hai dạng, hoàn toàn học thụ tại Việt Nam, hoặc, Cấp 3 hay Đại học đã đi du học nước ngoài. Ở đây mình đề cập đến nhóm đối tượng đang học và làm việc tại Việt Nam “chăm phần chăm” và hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất.
  • Tây: là những người sinh ra và lớn lên ở các nước phát triển chứ không đơn thuần là có Thẻ Xanh

Rồi, vậy bây giờ thì vì sao? Có bốn điểm sau:

  • Ngoại ngữ (nói nữa, bữa hổm cũng nói rồi!): vâng thưa vì nó quá dễ mà hổng ai làm để rồi cứ ngậm ngùi hài lòng với cái mình đang có rồi để cho các bạn Tây trẻ tuổi, non kinh nghiệm hơn nắm được các vị trí “ngon” hơn. Chỉ cần mỗi ngày dành ra khoảng 60 phút lên VOA tự nghe các bài đọc tiếng Anh, xem các Talk Show có phụ đề, vào công ty chịu khó ở miệng ra “nói mà run, mà phải sắp xếp câu tiếp theo chuẩn bị nói là gì” thì ít nhất trong hai năm cũng nắm được một mớ kha khá từ vựng và kỹ năng nghe nói. Còn có tiền, có quyết tâm hơn thì mình nhờ các anh chị chuyên về dạy ngoại ngữ hỗ trợ phương pháp học thế nào sẽ tốt hơn. Mình theo phương pháp không có tiền, vì thật sự lúc đó gia đình chỉ đủ đóng học phí Đại học và mình đi làm thêm để có tiền xài lặt vặt cá nhân, đi học ở trung tâm là xa xỉ.

 

  • Kiến thức kỹ thuật: thật ra đối với những người làm lâu năm thì Ta không thua gì cả, sự chêch lệch lớn có chăng là ở các bạn mới ra trường. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh yếu tố là họ lớn lên trong xã hội phát triển nên đã tiếp cận các kiến trúc tiên tiến, do vậy việc họ qua đây nếu nói là “khai sáng” cũng không giận được. Đồng thời, tư duy “out of a box” của họ tốt hơn Ta, nên từ những kiến thức cơ bản họ có thể ngồi suy nghĩ thêm các chi tiết mới thực tế hóa ý tưởng thiết kế của họ, còn Ta thì vẽ Concept “chơi chơi”. Vậy Ta phải làm sao? Nếu không có tiền thì Ta chịu khó tham khảo, ngồi vẽ tay, vẽ CAD để nhớ và ý thức tại sao lại có kiểu chi tiết như vậy; hoặc có tiền thì đi du lịch và thay vì chụp “seo-phì” thì xem các chi tiết ở nơi mình ở họ làm thế nào cũng sẽ cải thiện được rất nhiều. Mình đi Đức quan sát thấy chỉ riêng chi tiết bệ cửa sổ họ cũng làm rất “ngon”, nhưng mắc quá, vậy thì mình copy sao cho phù hợp túi tiền là được.

 

  • Kỹ năng giao tiếp: mình từng hỗ trợ, hướng dẫn cho một bạn từ Đức qua Việt Nam thực tập tại công ty cũ và thấy rõ ràng rằng họ rất chịu khó đi lại trong văn phòng để giao tiếp và hỏi, song song đó là mỗi khi ngồi vào bàn là rất tập trung kiểu như trong phim “ông làm phiền tui là tui bụp à”. Còn ăn trưa xong thì họ sẽ café với đồng nghiệp để biết này nọ thêm ở công ty chứ ít ngủ trưa mặc dù mình hiểu đây là sự khắc biệt về giáo dục từ mẫu giáo. Tuy vậy, mình không đánh đồng điều này với hẹn hò “nhậu giao lưu” – một khái niệm khác và mình không cổ xúy; tuy nhiên uống 1-2 chai để nói chuyện thì khác.

 

  • Cống hiến: họ hiểu rõ nếu muốn làm 08 giờ/ngày thì phải tập trung tối đa để xong việc ngày đó. Thực tế là họ làm nhiều hơn thời gian đó nhưng không kêu ca, rất tự giác và làm cho mình có cảm giác “nó mà về đúng giờ thì thấy cũng yên tâm”. Hầu như ít thấy “chương trình Facebook giữa giờ”. Điều này dẫn đến tư duy làm việc của họ nổi trội hơn mình ở chỗ: nếu bạn đi làm vì giá trị cho công ty để từ đó tạo nên giá trị cho chính bản thân bạn, sẽ khác với tư duy đi làm vì lương và 6 giờ chiều về “chở má đi bơi”. Thời mình mới bắt đầu đi làm có trò Farm Village trên Facebook, ham zui nên mình cũng tập tành trông cây tưới nước và thu hoạch kiếm xu rồi dẫn đến lâu lâu “tám chuyện” với bạn bè, sau một thời gian thì mình thấy vô bổ, người khác họ đang “vượt” lên mình nên bỏ.

Mình thấy nhiêu đó thôi, các bạn thấy gì hơn hoặc khác thì cứ góp ý ha! Bài viết chủ yếu nói đến tình hình chung giữa Ta và Tây để chúng ta cải thiện, đặc biệt là các bạn mới ra trường. Cơ bản là mình thấy tiếc vì chúng ta không vươn lên được như khả năng mình có, mặc dù trong vòng 10 năm gần đây thì trình độ thiết kế của Ta cũng đã tiệm cận với họ với các thể loại nhà Chung cư.

Để bảo vệ vấn đề này, sẽ có người nói “ừ thì các công ty đôi khi cũng cần Marketing nên khi có nhân sự Nước ngoài sẽ dễ thuyết phục Chủ đầu tư hơn, hoặc là do “lương theo Quốc tịch”. Không sai, nhưng nhìn nhận một cách công tâm thì Ta thua họ nhiều quá! Cũng có người nói “thằng này thằng kia” cũng lười thấy bà, nhưng, sao họ vẫn ngồi trên mình?

Tham chiếu qua người Ấn, họ đâu vượt trội hơn Ta quá nhiều nhưng họ được xem như “chuyên làm CEO cho các công ty lớn Toàn cầu”

Vậy … giải pháp?

  1. Ở mức độ vĩ mô thì thật sự mình không có một phương án cụ thể hoặc quá dài để viết trên mạng xã hội. Thay vào đó mình chỉ nêu ra những điều nhỏ nhặt mà mỗi chúng ta đều có thể tự thực hiện trong hoàn cảnh cả một nền giáo dục chưa cất cánh.
  2. Than phiền về nền giáo dục: ở một Group về Kiến trúc của các bạn du học sinh có nêu ra việc tại sao vẫn phải giữ môn vẽ tượng trong  tiêu chuẩn đầu vào ngành Kiến trúc rồi so sánh với Trung Quốc, Ý, Mỹ thì mình có comment thế này: “Mọi người đừng hiểu lầm là các thầy không muốn cải tiến, nhưng đó là việc không dễ. Mình biết có những người thầy bạc đầu, lặn lội từ Long An lên Sài Gòn bằng xe đò, sáng sớm đi và trưa về, chỉ để họp một buổi về định hướng giáo dục và đã bày tỏ rất nhiều tâm tư, mong muốn cải tiến trong sự so sánh với các nước đã phát triển.”

Nhân đây mình muốn nói rằng mình rất khâm phục các Kiến trúc sư Việt Nam lập nghiệp ở nước ngoài, vì họ phải luôn học hỏi, thay đổi tư duy, chịu đựng và cật lực hơn người bản xứ rất nhiều để có thể có việc làm ổn định chứ chưa nói đến việc thành công.

Cám ơn các bạn đã đọc bài và chúc một ngày tốt lành.

Bài viết khác

Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn tại Futurarc Prize 2017

Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn tại Futurarc Prize 2017

Ngày 09/05 vừa qua, cuộc thi FuturArc Prize 2017 đã công bố những bài dự thi xuất sắc đạt giải thưởng tại hai hạng mục: Kiến trúc sư và Sinh viên kiến trúc. Năm nay, Việt Nam có 02 đại diện đạt giải cao: Giải nhất hạng mục KTS, Giải nhì hạng mục Sinh viên Kiến trúc. Bên cạnh đó, 02 giải khuyến khích cũng được trao cho 02 nhóm Sinh viên đến từ Việt Nam .

xem thêm

Khám phá không gian - thời gian với kiến trúc tạm thời

Khám phá không gian - thời gian với kiến trúc tạm thời

Các kiến trúc sư Francisco Magnone và Luciano Lopez trình bày "M4", một cài đặt tạm thời khám phá lịch sử không gian-thời gian liên tục với sự phát triển của lĩnh vực kiến trúc tạm thời.

xem thêm

Hội thảo Kiến trúc Nhà nổi – Floating Architecture

Hội thảo Kiến trúc Nhà nổi – Floating Architecture

Sáng ngày 16/5/2017, tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Kiến trúc Nhà nổi (Floatting Architecture) do Trường ĐH Kỹ thuật Cottbus (BTU – Đức), Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp tổ chức với sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

xem thêm